hoạt động Tin hoạt động chung

Lương hưu 2018 và việc ‘chữa thẹn’ một điều luật

10/08/2018

Dự kiến ngày 1-10 tới thì nghị định điều chỉnh lương hưu đối với số lao động nữ (LĐN) bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến năm 2021 mới có hiệu lực.

Tính ra là quá chậm để những LĐN nghỉ hưu năm 2018 bị thiệt đáng kể từ những thay đổi của Luật BHXH 2014 được giải quyết thỏa đáng quyền lợi.

Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1-1-2018, để được hưởng lương hưu với mức 75%, LĐN phải có 30 năm đóng BHXH thay vì 25 năm như trước đây. Điều đáng nói là nếu công thức tính lương hưu mới của nam được thực hiện có lộ trình trong năm năm thì lương hưu mới của LĐN được áp dụng ngay trong năm 2018. Từ chỗ đó, nhiều LĐN nghỉ hưu năm 2018 có thể bị mất đến 10% lương hưu so với những LĐN có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Và tất nhiên là so với lao động nam (chỉ giảm 1%-2%) thì lương hưu của LĐN tụt khá lớn.

Lương hưu 2018 và việc ‘chữa thẹn’ một điều luật - Ảnh 1.

Xin được nhắc lại là sự bất hợp lý trên đã được nhiều cơ quan chức năng chỉ ra nhưng sự lỡ làng vẫn cứ xảy ra. UBND TP HCM từng kiến nghị không nên tăng ngay thời gian đóng BHXH đối với LĐN. Tổng LĐLĐ Việt Nam từng gửi văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) sửa đổi quy định. Bộ LĐ-TB-XH cũng có tờ trình Chính phủ xem xét trình QH tạm thời chưa thực hiện điều luật… Rất tiếc là đã chậm có kết quả. Mãi đến ngày 15-6 QH mới có Nghị quyết 64/2018 giao Chính phủ ban hành quy định điều chỉnh lương hưu đối với LĐN diện trên.

Tính ra trong hai lần Luật BHXH bị phản ứng khi chưa có hiệu lực thì cách khắc phục như thể là đã sửa luật một cách không chính thức. Ở lần trước liên quan đến Điều 60 về việc hưởng BHXH một lần, QH đã ra nghị quyết cho phép người chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 20 năm đóng BHXH) khi nghỉ việc được chọn một phương thức có ở luật cũ mà không có ở luật mới, đó là được nhận BHXH một lần nếu không muốn đóng tiếp BHXH. Ở lần này, QH đã chọn cách giao Chính phủ ban hành quy định điều chỉnh lương hưu nhằm giảm bớt thiệt thòi cho LĐN.

Theo ước tính của Bộ LĐ-TB-XH, nếu dự thảo nghị định nêu trên được chấp thuận thì quỹ BHXH sẽ phải chi khoảng 80 tỉ đồng. Khoản tiền này hoặc nếu cần thì có thể cao hơn để nhiều LĐN thuộc diện quy định được truy lãnh và được tiếp tục hưởng mức lương hưu phù hợp chứ không thể làm khác hơn.

Từ chuyện không hay này càng thấy giật mình thêm với báo động mới đây của Bộ Tư pháp rằng có hơn 5.600 văn bản dưới luật có nhiều sai sót về nội dung, hình thức làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với các mức độ khác nhau. Có nghĩa là nhiều văn bản pháp quy - cấp cao có, cấp thấp thì là vô số - đã và đang bộc lộ sự thiếu suy xét, thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan có thẩm quyền trong cách làm chính sách!

QH cần tính đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu, đồng thời có cơ chế trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc ban hành và thi hành văn bản trái luật. Đề xuất này của Bộ Tư pháp rất cần được Chính phủ, QH xem xét thực hiện để trị cho được "tội" của cấp dưới trong việc ra các luật con hại số đông. Không chỉ có vậy, chính QH cũng sẽ cố gắng không lặp lại các thiếu sót tương tự của các Luật BHXH ở các luật mới để tránh dẫn đến hậu quả khó lường.


THU TÂM (Báo Pháp luật TP HCM)