Đầu năm 2018, Công ty TNHH F.T (tỉnh Bình Dương) còn rao tuyển 2.000 công nhân (CN) thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh. Thế nhưng, chỉ 4 tháng sau đó, công ty đột ngột thông báo cắt giảm 5.200 trong số 11.000 lao động khiến tập thể CN hết sức hoang mang.
"Tự nguyện" mất việc
Theo phản ánh của CN, ngày 27-4, tổng giám đốc công ty đã ban hành thông báo nội bộ về thu hẹp sản xuất và chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) nghỉ việc sớm. Lý do cắt giảm phía công ty đưa ra là từ cuối năm 2017 đơn hàng liên tục giảm, ban giám đốc đã tìm mọi cách khắc phục nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, từ đó buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm 5.200 lao động.
Để thực hiện kế hoạch cắt giảm, công ty khuyến khích NLĐ đăng ký nghỉ việc từ ngày 4 đến 14-5-2018 để hưởng các chính sách hỗ trợ từ công ty. Cụ thể, đối với NLĐ có hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn hết hạn vào tháng 6, 7, 8, 9 năm 2018, khi đăng ký nghỉ việc sẽ được hỗ trợ từ 0,5-2 tháng tiền lương; trường hợp NLĐ có HĐLĐ không xác định thời hạn khi đăng ký nghỉ việc sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền lương.
Đến ngày 10-5 đã có 3.769 lao động đăng ký nghỉ việc (gồm 3.151 lao động trực tiếp, 618 lao động gián tiếp). Thấy chưa đạt đủ chỉ tiêu cắt giảm, công ty tiếp tục ra thông báo gia hạn thời gian đăng ký nghỉ việc đến ngày 17-5. Thông báo nêu rõ nếu hết thời hạn trên, số lượng CN đăng ký nghỉ vẫn chưa đạt chỉ tiêu thì công ty sẽ tiến hành các bước cắt giảm theo quy định về tái cơ cấu trong Bộ Luật Lao động. Khi đó, CN chỉ được hưởng chế độ chính sách theo luật định, riêng khoản hỗ trợ của công ty không có. "Các tiêu chí cắt giảm theo phương án sử dụng lao động do công ty đưa ra không rõ ràng nên ai cũng lo lắng lọt vào danh sách bị cắt giảm. Do vậy, chúng tôi chọn cách có lợi nhất là xin nghỉ việc để tránh bị mất khoản hỗ trợ của công ty" - CN Nguyễn Ngọc Hương cho biết.
Lách luật để giảm chi phí
Tuy nhiên, điều khiến NLĐ bức xúc là sau khi chấm dứt HĐLĐ với CN, công ty lại tiến hành tuyển dụng hàng loạt lao động thời vụ. "Cách hành xử của công ty khiến ai cũng tin rằng lý do đơn hàng giảm chỉ là cái cớ để họ sa thải CN nhằm cắt giảm chi phí trả lương và khoản đóng BHXH.
Tiếp xúc với chúng tôi, nữ CN Huỳnh Bảo Quyên bày tỏ bức xúc: "Làm việc 10 năm tại công ty nhưng thu nhập hiện tại của tôi dao động từ 9-10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương công ty trả cho lao động thời vụ chỉ khoảng 4,4 triệu đồng/tháng, lại né được khoản đóng BHXH cho họ. Tính ra công ty vẫn có lợi dù phải chi khoản hỗ trợ 3 tháng lương khi cho CN cũ nghỉ việc. Trong khi chúng tôi bị đẩy ra đường thì đã lớn tuổi, khó có khả năng tìm được việc làm".
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, đại diện công ty lại khẳng định việc cắt giảm lao động là phù hợp quy định pháp luật (do gặp khó khăn về đơn hàng), đồng thời phủ nhận thông tin sử dụng số lượng lớn lao động thời vụ.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết bên cạnh việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hằng năm để tăng thu nhập, từ ngày 1-1-2018, mức đóng BHXH cho NLĐ cũng được nhà nước điều chỉnh tăng theo hướng đóng theo thu nhập thực tế để bảo đảm NLĐ có mức thu nhập đủ sống khi về già. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí của doanh nghiệp (DN) sẽ tăng lên đáng kể và nhiều nơi chủ sử dụng lao động tìm cách lách luật. Hiện nay quy định về việc cắt giảm lao động vì lý do thay đổi cơ cấu cơ cấu, công nghệ chưa chặt chẽ. Chẳng hạn theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP, khi thực hiện cắt giảm lao động vì thay đổi cơ cấu, DN phải xây dựng phương án sử dụng lao động và báo trước cho cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh trước 30 ngày. Tuy nhiên, không có quy định các cơ quan chức năng phải thẩm tra, xác minh việc thay đổi cơ cấu có thật sự diễn ra tại DN hay không, do vậy đã tạo kẽ hở hợp pháp cho DN trong việc cắt giảm số lượng lớn lao động nhằm giảm chi phí trả lương, BHXH. "Ở trường hợp trên, các CN phải cân nhắc kỹ trước khi đăng ký xin nghỉ việc vì cái lợi trước mắt. Thực tế, NLĐ xin nghỉ việc trong trường hợp này chỉ có thêm được 1 tháng lương trong khi phải đối mặt với khó khăn, thiệt thòi quyền lợi về lâu dài. Chẳng hạn, nếu tìm được việc làm thì mức lương và mức đóng BHXH cũng trở về điểm xuất phát" - ông Triều lưu ý.
Bài và ảnh: MAI CHI