hoạt động Tin hoạt động chung

Phải bồi thường thiệt hại cho NLĐ

16/05/2018

Nhiều người sử dụng lao động ban hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, sau đó hủy quyết định và cho rằng như thế là hết trách nhiệm

Theo quy định, khi người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái luật thì phải trả tiền cho những ngày người lao động (NLĐ) không được làm việc, bồi thường ít nhất 2 tháng lương và nhận NLĐ trở lại làm việc. Trong thực tế, khi xảy ra tranh chấp lao động với nội dung này thì quan hệ lao động đã đổ vỡ khiến việc trở lại làm việc của NLĐ gần như không thể. Tuy nhiên, nếu không quay lại làm việc thì NLĐ cũng đối mặt với nhiều rắc rối, thiệt thòi.

Cho nghỉ việc rồi nhận lại

Bà N.V.T.H làm việc cho một công ty tài chính và được ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Khi phát sinh mâu thuẫn, bà H. bị công ty chấm dứt HĐLĐ. Bất bình bà gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi cho mình. Lúc này mới lộ rõ quyết định chấm dứt HĐLĐ của công ty là trái luật. Hơn 2 tháng sau khi cho bà H. nghỉ việc, công ty ra quyết định hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ trái luật và thông báo mời bà trở lại làm việc, đồng thời khẳng định "công ty có thiện chí khắc phục sai sót". Bà H. cho biết: "Việc công ty mời trở lại làm việc càng làm tôi bối rối vì rất khó nhìn mặt nhau lúc quan hệ đã đổ vỡ. Khi công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ, tôi đã chịu nhiều tổn thất về tinh thần lẫn vật chất, chẳng lẽ công ty không phải chịu trách nhiệm gì trước quyết định sai trái của mình hay sao? Chẳng lẽ cứ ban hành quyết định sai trái, sau đó thu hồi là xong hay sao?".

Trong khi đó ông T.Q.D (ngụ quận 6, TP HCM) bị Công ty T.P chấm dứt HĐLĐ trái luật từ năm 2016. Sau 3 tháng cho nghỉ việc, công ty ra quyết định hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ trước đó và thông báo mời NLĐ trở lại làm việc. Ông D. không đồng ý trở lại làm việc mà gửi đơn khởi kiện ra tòa đòi bồi thường. Tuy nhiên, công ty cho rằng mình đã ra văn bản mời trở lại làm việc nên chỉ đồng ý bồi thường cho NLĐ tiền lương trong 3 tháng không được làm việc tính đến ngày ra thông báo mời quay lại làm việc. "Công ty còn lập luận việc tôi không quay lại làm việc như thư mời có nghĩa là tôi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, vi phạm thời hạn báo trước, phải bồi thường cho công ty. Vụ kiện cứ lằng nhằng các tình tiết liên quan đến cái thông báo công ty mời trở lại làm việc như thế mãi gần 2 năm nay chưa đến hồi kết" - ông D. cho biết.

Phải bồi thường thiệt hại cho NLĐ - Ảnh 1.

Người lao động được cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM hướng dẫn khởi kiện khi bị xâm phạm quyền lợi. Ảnh: CAO HƯỜNG

Đã đổ vỡ, khó hàn gắn

Theo luật sư Lê Trọng Thêm, Đoàn Luật sư TP HCM, đây là những tình huống vẫn xảy ra trong các vụ tranh chấp về chấm dứt HĐLĐ. Đôi khi cả hai phía đều cực đoan với quan điểm của mình khiến các vụ tranh chấp thêm phức tạp.

Theo luật định, khi công ty chấm dứt HĐLĐ trái luật thì phải khắc phục bằng cách nhận lại NLĐ vào làm việc. Do đó, công ty được quyền hủy quyết định sai và mời trở lại làm việc. Theo hướng này, việc trả lương những ngày không được làm việc tính đến ngày NLĐ được mời lại làm việc là hợp lý. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét đến việc bồi thường tổn hại về tinh thần khi NLĐ bị cho nghỉ việc trái luật. Điều này đã được pháp luật quy định, doanh nghiệp không thể thoái thác trách nhiệm và cho rằng mình đã hủy bỏ quyết định trái luật thì hậu quả đã được khắc phục. Trường hợp doanh nghiệp cho rằng NLĐ không trở lại làm việc là tự ý chấm dứt HĐLĐ không báo trước, nghỉ việc không lý do, đẩy trách nhiệm lại cho NLĐ lại càng sai. Vì luật định, NLĐ có quyền từ chối trở lại làm việc.

"Nhiều công ty sử dụng chiến thuật này để giảm thiểu rủi ro. Khi xảy ra mâu thuẫn dẫn đến chấm dứt HĐLĐ trái luật, rất hiếm khi NLĐ có thể quay lại làm việc như cũ. Có đơn vị còn cho rằng cứ gọi NLĐ trở lại, nếu họ không dám quay trở lại thì sẽ áp dụng biện pháp sa thải. Như vậy là hiểu không đúng luật vì NLĐ có quyền từ chối trở lại làm việc, công ty vẫn phải trả các khoản luật định khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật" - ông Thêm cho biết.

Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, hiện nay dù luật có quy định người sử dụng lao động phải nhận lại NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật nhưng không có quy định, hướng dẫn nào thêm về việc công ty mời làm việc trở lại ra sao, ứng xử thế nào? Ông Triều nhìn nhận: "Trong thực tế, nhiều khi doanh nghiệp ra thông báo nhận NLĐ trở lại làm việc cho có lệ, đủ thủ tục để giảm thiệt hại chứ không hẳn là thiện chí thực chất nên NLĐ rất e dè. Nếu có thể thì luật chỉ nên quy định trường hợp này doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ một khoản thỏa đáng để họ đi tìm việc ở nơi khác". 

BẠCH ĐẰNG