"Hầu như khi đụng chuyện rồi, các em mới bắt đầu đi tìm hiểu. Kiến thức về pháp luật lao động lúc này được đánh đổi bằng những lần vấp ngã, thiệt thòi, oan ức, trong khi lẽ ra các em cần được chuẩn bị chu đáo hơn từ đầu". Bà Trần Thị Thanh Uyên - quản lý một doanh nghiệp may tại quận 2, TP HCM - nhận xét như vậy trước tình trạng nhiều người lao động trẻ có chuyên môn nghiệp vụ nhưng lại thiếu hiểu biết pháp luật lao động, dẫn đến bị thiệt thòi quyền lợi.
Có sao chịu vậy
Nhiều năm làm quản lý, bà Uyên đúc kết: "Nhiều em ở quê, gia cảnh khó khăn, học xong phổ thông rồi lên thành phố vào xưởng làm việc ngay nên không hiểu luật, không biết các quyền lợi của mình. Kết quả là gặp doanh nghiệp đàng hoàng thì được nhờ, không thì cứ nhẫn nhịn chịu đựng, xem đó như là cái kiếp khổ của mình. Đến cả cách tính lương, thời gian tăng ca ra sao cũng không hiểu, chủ phát bao nhiêu tiền là nhận bấy nhiêu".
Bà Uyên dẫn ra một trường hợp điển hình là đôi vợ chồng trẻ ở miền Trung vào làm việc. Do công ty chậm đóng BHYT nên cả vợ chồng không có thẻ để đi khám bệnh. Do chi phí trị bệnh cao nên bà Uyên hướng dẫn họ ra phường mua BHYT tự nguyện để tạm thời giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên khi ra phường mua thì bị từ chối do bị trùng với mã BHYT do công ty đóng. Hai vợ chồng mới quay lại hỏi công ty thì được người có trách nhiệm viện dẫn hàng loạt quy định này kia khiến họ nghe không nổi, đành lủi thủi ra về đi vay mượn tiền để chữa bệnh.
Cách đây không lâu, bà Uyên có quản lý một nhóm sinh viên. Họ làm việc tạm thời ở xưởng trong khi chờ tìm được việc làm ưng ý. "Công ty trả thiếu nhiều khoản theo quy định nhưng họ không biết. Vì lý do tế nhị, tôi không thể hướng dẫn họ khiếu nại chủ nên chỉ cho họ đọc những điều khoản trong luật. Dần dà họ nhận ra mình bị xâm phạm quyền lợi nên xin nghỉ việc, tôi cũng vui vẻ ký đơn và mong các em có thể tìm được nơi làm việc tốt hơn" - bà Uyên chia sẻ.
Nhiều trường hợp đến khi quyền lợi bị xâm phạm, người lao động mới đến Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM đề nghị hỗ trợ
Phải dạy luật từ trường học
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trong nhiều vụ tranh chấp, người lao động do không thông hiểu luật nên đôi khi đòi các quyền lợi không đúng luật, cũng như không có đủ lý lẽ để thương lượng với chủ doanh nghiệp. Họ chấp nhận làm việc trong điều kiện thiếu an toàn, độc hại nhưng không đòi trang bị bảo hộ hay trợ cấp tương xứng. Chưa kể nhiều kiến thức đơn giản như khi bị xâm phạm quyền lợi thì khiếu nại đến ai, cơ quan nào, ở đâu… họ cũng không biết.
"Thực tế chúng tôi cũng đã từng tham gia tập huấn cho nhiều doanh nghiệp, trường học nhưng đối tượng tham gia hầu như chỉ nghe chứ ít thắc mắc, hỏi han thêm gì về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động. Có thể họ không quan tâm, cũng có thể họ không biết gì để hỏi. Theo tôi, việc trang bị kiến thức pháp luật lao động cho người lao động cần phải bài bản, dài hơi chứ không chỉ là các khóa ngắn hạn, ngoại khóa, ngoài giờ… Người truyền đạt cũng cần có kinh nghiệm thực tiễn vì nếu chỉ giảng lý thuyết chung chung về luật thì rất nhàm chán" - ông Triều cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, nhiều vấn đề trong lĩnh vực lao động cần được trang bị ngay từ trong trường học, mỗi cấp học trang bị một lượng nội dung kiến thức vừa phải, phù hợp với độ tuổi. Ông Lâm nói: "Việc tạo chuyển biến trong nhận thức là quan trọng hơn cả. Có lẽ đã đến lúc phải lồng ghép vào chương trình học những vấn đề sát sườn của pháp luật lao động để khi bước vào thị trường lao động, người lao động có đủ kiến thức để bảo vệ mình và hành xử đúng luật".
Bài và ảnh: Bạch Đằng