hoạt động Tin hoạt động chung

Chối bỏ quyền lợi

04/04/2018

Kiến thức pháp luật hạn chế và tâm lý e ngại của người lao động đã gây không ít trở ngại cho tổ chức Công đoàn trong việc đại diện khởi kiện đòi quyền lợi.

"Ủy quyền khởi kiện là gì? Ủy quyền rồi có phải tự đi đòi quyền lợi nữa không? Trước đây đã kiện và gửi đơn ở Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP HCM và Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP thì có phải làm lại đơn khởi kiện và giấy ủy quyền không?". Đó chỉ là một vài câu hỏi trong số hàng loạt thắc mắc mà các công nhân (CN) Công ty Bum Jin Vina (KCN Vĩnh Lộc A; huyện Bình Chánh, TP HCM) đặt ra tại buổi tiếp xúc, hướng dẫn thủ tục khởi kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi tiền lương, BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do CĐ các KCX-KCN TP HCM và Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP tổ chức mới đây.

Hiểu biết hạn chế

Trước đó, vào ngày 13-2, ông Park Kye Ho, giám đốc công ty, đột ngột "biến mất" khi đang nợ lương tháng 1 và tháng 2-2018 của CN. Sau đó, nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng, CN được thanh toán tiền lương tháng 1-2018. Đến thời điểm này, ngoài khoản nợ 10 ngày lương tháng 2-2018, công ty còn nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 2,9 tỉ đồng, gây thiệt thòi quyền lợi người lao động (NLĐ), đặc biệt là những CN nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ. Trước tình hình đó, CĐ các KCX-KCN TP đã kiến nghị LĐLĐ TP đề xuất cơ quan BHXH cho phép đóng bổ sung khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN còn thiếu của 25 nữ CN để họ được hưởng quyền lợi thai sản; đồng thời quyết định sẽ tiếp nhận ủy quyền của CN khởi kiện công ty ra tòa đòi quyền lợi.

Chối bỏ quyền lợi - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM (trái) hướng dẫn công nhân Công ty Bum Jin Vina viết đơn khởi kiện

Trao đổi với chúng tôi, CN Trần Thị Thu Hiền bộc bạch: "Chúng tôi là lao động chân tay, ít chữ và chưa gặp phải tình huống này bao giờ nên không biết quy trình, thủ tục khởi kiện. Thậm chí, nhiều người còn không phân biệt được thế nào là khiếu nại, thế nào là khởi kiện nên khi nộp đơn đề nghị CĐ can thiệp bảo vệ quyền lợi hay khi điền vào phiếu ghi nhận sự việc của Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP... họ đều tưởng đó là đơn khởi kiện".

Cũng xuất phát từ hạn chế về kiến thức pháp luật, nhiều CN rất hoang mang khi nghe phổ biến thủ tục ủy quyền và các loại tài liệu cần có để hoàn chỉnh một bộ hồ sơ khởi kiện, chẳng hạn: CMND, hộ khẩu, hợp đồng lao động, bảng lương... CN Võ Thị Trang lo lắng: "Sau khi giám đốc bỏ trốn, nghĩ hợp đồng lao động và giấy trả lương không còn giá trị gì nên tôi đã đốt hết. Giờ tôi không có những giấy tờ đó thì phải làm sao?".

Trấn an NLĐ, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết việc NLĐ không cung cấp đủ giấy tờ để hoàn tất hồ sơ khởi kiện sẽ gây trở ngại cho quá trình khởi kiện nhưng CĐ sẽ yêu cầu phòng nhân sự, kế toán của công ty phối hợp, cung cấp bảng lương và tìm lại các bản hợp đồng lao động công ty còn lưu trữ để hoàn tất hồ sơ khởi kiện cho NLĐ.

Chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt

Bên cạnh việc thiếu kiến thức pháp luật, việc NLĐ ngại khó hoặc chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, bỏ qua cái lợi lâu dài cũng là một trong những vấn đề khiến các cán bộ CĐ "đau đầu" trong quá trình đại diện khởi kiện. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - cán bộ LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM - kể lại câu chuyện mình từng trải qua. Giữa năm 2016, có 21 CN đang làm việc tại Công ty May Kim Long ủy quyền cho bà khởi kiện công ty ra tòa đòi nợ BHXH. Tuy nhiên, sau đó, một số CN do sợ mất việc hoặc thiếu giấy tờ nên bỏ cuộc giữa chừng, chỉ còn 11 CN tiếp tục theo đuổi vụ việc. Nhưng ngay trước ngày tòa xử, 2/11 CN lại rút đơn khởi kiện.

Một trường hợp khác xảy ra ở Công ty Nam Phương. Mặc dù CĐ các KCX-KCN TP và Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP đã nỗ lực hướng dẫn thủ tục ủy quyền khởi kiện cho CN; thậm chí còn cung cấp mẫu đơn kiện, mẫu giấy ủy quyền cho từng người. Song đến nay, chỉ có vài người trong tổng số hơn 600 CN nộp đơn khởi kiện dù họ đang đối diện khả năng mất trắng gần 27 tỉ đồng nợ BHXH.

Giải thích lý do không kiện, CN L.T.T chia sẻ: "Thủ tục kiện tụng khá phức tạp cần nhiều loại giấy tờ mà tôi không có ở đây. Nếu muốn có phải chạy về quê lấy rồi đi công chứng nữa, phiền phức quá, trong khi tôi còn phải đi làm để kiếm sống". Còn chị T.T.B thì bày tỏ: "Trước đây, công ty từng bị cơ quan BHXH kiện 3 lần nhưng rồi nợ vẫn hoàn nợ. Giờ nếu chúng tôi kiện nữa thì chắc gì đòi được quyền lợi khi giám đốc không ở đây và tài sản cũng chẳng đáng là bao". Vì những suy nghĩ đó, hiện nay có hơn 200 CN đã trở lại công ty làm việc dù giám đốc không xuất hiện và bị ngưng đóng BHXH, BHYT, BHTN. 

Nguồn: Báo Người lao động