Bà Võ Thị Hồng Nhung làm việc tại chi nhánh một ngân hàng ở TP HCM từ năm 2002 đến nay và được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trong quá trình làm việc, bà Nhung không vi phạm kỷ luật và luôn hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, ngày 20-2-2017, bà Nhung nhận được quyết định "điều động cán bộ" của giám đốc chi nhánh chuyển bà từ nhân viên hậu kiểm Phòng Kế toán qua làm nhân viên hành chính văn thư tại Phòng Tổ chức Hành chính. Nhận việc chưa bao lâu, đầu tháng 10-2017, bà Nhung tiếp tục nhận quyết định điều chuyển sang làm nhân viên kiểm ngân tại Phòng Tiền tệ Kho quỹ. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, bà Nhung tiếp tục bị điều chuyển sang làm nhân viên bảo vệ, bị hạ lương từ bậc 4 xuống bậc 2.
Nhân viên kế toán bắt đi giữ xe
Đáng chú ý, quyết định của giám đốc chi nhánh chuyển bà Nhung về làm nhân viên bảo vệ lập ngày 18-12-2017 thì có hiệu lực từ ngày 19-12-2017. Cả 3 quyết định thay đổi công việc của người lao động (NLĐ) đều không ghi lý do cụ thể mà chỉ ghi chung chung như "căn cứ vào cuộc họp liên tịch…" hay "xét yêu cầu công tác, năng lực và phẩm chất cán bộ"... "Cả 3 quyết định đều căn cứ đại khái như vậy trong khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác, đời sống và thu nhập của NLĐ. Tôi là phụ nữ, chuyên môn là kế toán tài chính, đã lớn tuổi rồi mà đùng một cái bị chuyển xuống phòng bảo vệ, cho giữ xe thì làm sao tôi kham nổi?" - bà Nhung bức xúc.
Bà Võ Thị Hồng Nhung với các quyết định "điều động cán bộ"
Làm việc với bà P.T.N.L - giám đốc chi nhánh, người ban hành quyết định điều động bà Nhung - chúng tôi nhận được câu trả lời nguyên nhân điều chuyển là do bà Nhung không hoàn thành nhiệm vụ, không hòa đồng, nguyên tắc cứng nhắc và cẩn thận quá mức. Ngoài ra, một lý do khác là Phòng Tiền tệ Kho quỹ giải thể, có 2 người dôi ra không bố trí công tác được, trong đó có bà Nhung, nên đành bố trí làm bảo vệ. Bà N.L còn nói như vậy là đã quá tình cảm với bà Nhung (?!).
Về việc này, sau khi xác minh, chúng tôi biết rằng cái mà lãnh đạo chi nhánh vịn vào đó để "bắt lỗi" bà Nhung là những trường hợp hóa đơn viết tắt, ghi thiếu hoặc viết sai chính tả thì bà Nhung kiên quyết đề nghị làm lại cho đúng. "Tôi làm theo quy định của đơn vị chứ đâu phải tôi tự đặt ra những quy định đó? Nghề liên quan tới hóa đơn, tiền bạc thì phải cẩn trọng, quy củ. Trong lần họp xử lý khiếu nại, cấp trên không cho tôi nói, cứ chụp cho tôi là bị các phòng ban, khách hàng phàn nàn nhưng tôi hỏi là ai và sự việc gì cụ thể thì lại không dẫn chứng ra. Ngay cả chuyện cho rằng tôi không hoàn thành nhiệm vụ cũng không thỏa đáng khi cuối năm ngoái tôi vẫn được đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ" - bà Nhung phân trần.
"Âm mưu" ngụy tạo kết quả đánh giá
Trong khi đó, bà T.T.K.S, Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính của chi nhánh, lại cho biết phương án giải thể Phòng Tiền tệ Kho quỹ đã có từ trước và đơn vị chỉ thông báo miệng cho bà Nhung. Bên cạnh đó, nếu cần thiết, đơn vị có thể "làm lại" bản đánh giá xếp loại là "không hoàn thành nhiệm vụ" để cho bà Nhung nghỉ việc!
"Như vậy, đầu tháng 10-2017, lãnh đạo điều chuyển tôi về một bộ phận đã sắp giải thể để rồi sau đó lại bảo không còn việc cho tôi. Không thông báo sắp xếp mà đột ngột điều chuyển tôi xuống bãi xe nên tôi không nhận việc mà gửi đơn khiếu nại. Kết quả là 3 tuần nay, họ cho tôi một cái ghế ra hội trường ngồi một mình, khi hội trường có họp thì tôi phải ra hành lang ngồi. Đã vậy, lãnh đạo chi nhánh còn bắt tôi phải làm bản đánh giá KPI từ đầu tháng 10, lúc bị chuyển về Phòng Tiền tệ Kho quỹ, kéo dài đến hết tháng 12-2017. Tôi bị chuyển về Phòng Tiền tệ Kho quỹ được 2 tháng thì giải thể, sau đó ra hội trường ngồi không thì biết đánh giá thế nào?" - bà Nhung bức xúc.
Phải theo Bộ Luật Lao động
Theo ông Dương Văn Thuận, Chuyên viên Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP.HCM, bà Nhung là NLĐ, không phải cán bộ, công chức nên không thể có cái gọi là "điều động cán bộ", chưa kể việc điều động hôm trước mà hôm sau phải chấp hành là trái với quy định của pháp luật. Trường hợp này phải thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động. Theo đó, đây là trường hợp điều chuyển tạm thời NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo Đều 31, thời hạn không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm. Mặt khác, trong trường hợp giải thể bộ phận mà có từ 2 lao động dôi dư trở lên thì phải có phương án bố trí, sắp xếp lao động, thỏa thuận công việc khác hoặc đào tạo lại để tiếp tục sử dụng.
Nguồn: Báo Người lao động