Những ngày cận Tết, hơn 60 công nhân (CN) Công ty CP Dịch vụ Thương mại Vnice (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM) tá hỏa khi ông Đào Đình Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, bỏ trốn trong khi còn nợ lương hơn 400 triệu đồng. Đây là tiền công làm việc tháng 10 và 15 ngày của tháng 11-2022 của họ.
Không biết xoay xở ra sao
Theo phản ánh của CN, ngày 18-11-2022, ông Chiến thông báo cho CN tạm nghỉ 2 ngày do hết đơn hàng. Tuy nhiên, khi CN trở lại làm việc vào ngày 21-11-2022 thì được nhân viên bảo vệ thông báo nhà xưởng đã được sang nhượng cho chủ khác khiến tập thể CN hoang mang. Khi liên hệ với ông Chiến thì người lao động (NLĐ) nhận được lời hứa sẽ được trả đủ lương vào chiều cùng ngày. T
uy nhiên, sau đó ông này tiếp tục hẹn đến ngày 30-12-2022 sẽ thanh toán dứt điểm. Ngày 27-11-2022, CN tiếp tục liên hệ với ông Chiến để xác nhận thời gian giải quyết tiền lương nhưng ông chủ đã "biến mất" khiến hàng chục CN rơi vào túng quẫn.
Anh Lê Văn Đạt và anh ruột cùng làm trong công ty và cả 2 đều bị nợ lương. Ngoài chi phí nhà trọ, số tiền lương ít ỏi còn lại 2 anh em gửi hết về quê để chữa bệnh cho mẹ. "Do công ty nợ lương nên tôi phải vay mượn bạn bè để trang trải chi phí sinh hoạt, hiện còn nợ gần 7 triệu đồng. Tôi chỉ mong có lương để trả nợ nhưng ai ngờ mất trắng, giờ không biết xoay xở ra sao" - anh Đạt lo lắng.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, tư vấn cho công nhân Công ty TNHH Myoung Jin Việt Nam
Hoang mang không kém là anh Nguyễn Bình Minh (quê Thừa Thiên - Huế), nhân viên kỹ thuật công ty. Trước đây, anh Minh làm cho một công ty may mặc tại quận Gò Vấp, TP HCM và cũng bị giám đốc quỵt 3 tháng lương. Chưa kịp mừng khi được Công ty CP Dịch vụ Thương mại Vnice tuyển dụng thì ông chủ lại "biến mất". "Tính ra, công ty còn nợ tôi gần 20 triệu đồng tiền lương. Giờ ông chủ biệt vô âm tín thì không biết lấy đâu ra chi phí để về quê" - anh Minh than thở.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP Dịch vụ Thương mại Vnice chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2021 nhưng không giao kết hợp đồng lao động, trích nộp BHXH, BHYT cho CN. Sau khi sự việc xảy ra, LĐLĐ huyện đã hỗ trợ CN mất việc 200.000 đồng/người và sẽ tiếp tục đề xuất UBND, Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ thêm cho họ.
Hơn 60 CN từng làm việc tại Công ty TNHH Myoung Jin Việt Nam (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM; do bà Lê Thị Ngọc Vân là đại diện theo pháp luật) cũng rơi vào cảnh vất vưởng do bị nợ lương.
Nhiều CN cho hay từ tháng 7-2022, công ty bắt đầu xuất hiện tình trạng chậm và nợ lương. Có CN chỉ được tạm ứng một phần (khoảng 50%-60% lương), có trường hợp bị nợ toàn bộ lương. Không có tiền trang trải cuộc sống nên nhiều CN đã bỏ việc. Tổng số tiền lương công ty nợ của hơn 60 CN trên 500 triệu đồng.
Nghỉ việc nhưng không được trả lương, lại phát hiện công ty đóng cửa, nên CN lo lắng. Nhiều CN đã tìm đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn khiếu nại. Làm việc với cơ quan chức năng huyện vào sáng 10-11-2022, bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, đại diện công ty, cam kết sẽ thanh toán nợ lương cho CN thành 2 đợt: đợt 1 trả 40% vào chiều 10-11-2022, còn lại thanh toán vào ngày 20-12-2022.
Hứa hẹn là vậy nhưng đến hạn, bà Linh không thực hiện. Khi tập thể CN phản ứng thì bà Linh mới thanh toán một phần tiền lương đợt 1. "Bà Linh nợ tôi gần 14 triệu đồng tiền lương nhưng đến nay chỉ thanh toán 3 triệu đồng. Khi chúng tôi tìm đến công ty thì mới biết doanh nghiệp đã được sang nhượng cho chủ mới, vậy là coi như mất trắng" - anh Hoàng Diệp Thành, một CN, bức xúc nói.
Công ty TNHH Myoung Jin Việt Nam hoạt động từ tháng 11-2021 và chưa thành lập Công đoàn cơ sở. Trước khi xảy ra vụ việc, công ty sử dụng khoảng 80 lao động nhưng không ký hợp đồng lao động, không tham gia BHXH, BHYT. Tại buổi làm việc ngày 10-11-2022, ngoài thống nhất về thời điểm thanh toán tiền lương cho NLĐ, tổ công tác cũng yêu cầu công ty không được di chuyển tài sản. Do số lao động bị nợ lương đã nghỉ việc và thời điểm phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nên các cơ quan chức năng huyện lúng túng trong xử lý. Do vậy, LĐLĐ huyện đã hướng dẫn NLĐ làm thủ tục khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi.
Lưu ý thủ tục hòa giải trước khi khởi kiện
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.
Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì NSDLĐ phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ. Trường hợp NSDLĐ không trả lương đúng quy định, NLĐ có thể đề nghị cơ quan chức năng giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng Trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết.
Việc khởi kiện đòi lương của NLĐ buộc phải thông qua bước hòa giải trước khi khởi kiện và thời hạn để thực hiện hòa giải là trong vòng 6 tháng kể từ ngày phát hiện hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Đây là vấn đề NLĐ cần chú ý để không mất trắng quyền lợi.
MAI CHI - HUỲNH NHƯ