Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, phóng viên đã phỏng vấn ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, một số nội dung liên quan vấn đề trên.
Phóng viên: Những đối tượng nào được chi thu nhập tăng thêm, thưa ông?
- Ông TRẦN VĂN TRIỀU: Theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND, đối tượng được nhận thu nhập tăng thêm bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp phường - xã, thị trấn do TP quản lý, được cấp có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Ngoài ra, người lao động không phải cán bộ, công chức, viên chức, nhưng làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng lao động được quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ cũng được hưởng chính sách này.
Mức chi thu nhập tăng thêm được tính thế nào?
- Mức chi thu nhập tăng thêm được tính theo hệ số điều chỉnh tăng thu nhập và trong giai đoạn 2018-2020, hệ số này được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, năm 2018, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ (tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ); năm 2019 và 2020 hệ số điều chỉnh tối đa lần lượt là 1,2 và 1,8 lần. Đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thì giao UBND TP hướng dẫn các đơn vị quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để chia sẻ thu nhập tăng thêm theo hiệu quả công việc.
Theo quy định, những người được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên sẽ được chi thu nhập tăng thêm. Vậy mức chi có sự phân biệt hay cào bằng?
- Thu nhập tăng thêm được chi trả không cào bằng mà căn cứ hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại từng cơ quan, đơn vị do thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá theo quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Mỗi đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ bảo đảm dân chủ, minh bạch.
Thu nhập tăng thêm được chi trả vào thời điểm nào và nguồn kinh phí thực hiện lấy từ đâu, thưa ông?
- Việc chi trả thu nhập tăng thêm được thực hiện sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hằng quý, hằng năm của từng cán bộ, công chức, viên chức. Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại đơn vị lấy từ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành sau khi đã thực hiện chi trả chính sách tăng lương theo lộ trình của Chính phủ hằng năm; tại các cấp ngân sách quận - huyện, nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm (sau khi đã thực hiện chi trả chính sách tăng lương theo lộ trình của Chính phủ hằng năm) bao gồm: Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm trước chưa sử dụng hết chuyển sang của cấp ngân sách quận - huyện; nguồn 50% tăng thu ngân sách quận - huyện (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) thực hiện năm trước so với dự toán năm trước; nguồn 50% tăng thu ngân sách quận - huyện (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) dự toán năm hiện hành so với dự toán năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.
Trường hợp nguồn kinh phí thấp hơn nhu cầu kinh phí thực hiện thì ngân sách TP sẽ xem xét bổ sung phần chênh lệch thiếu từ nguồn cải cách tiền lương cấp TP cho các quận - huyện để bảo đảm đủ nguồn kinh phí thực hiện. Trường hợp nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện thì các quận - huyện tự bảo đảm kinh phí thực hiện; phần chênh lệch lớn hơn dành để thực hiện chế độ tiền lương mới tăng thêm khi Chính phủ tiếp tục ban hành mức lương tối thiểu mới, chi cho các nội dung theo chỉ đạo của UBND TP, không sử dụng phần kinh phí còn lại này cho các mục tiêu khác.
Hương Huyền thực hiện