hoạt động Tin hoạt động chung

Ở đâu có người lao động bức xúc, ở đó có Công đoàn

25/09/2018

(NLĐO)- Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.970 công nhân được Công đoàn TP HCM hỗ trợ các thủ tục pháp lý hoặc đại diện theo ủy quyền tham gia khởi kiện thành công, đòi lại tiền doanh nghiệp nợ lương và BHXH người lao động trên 17 tỉ đồng.

Ở đâu có người lao động bức xúc, ở đó có Công đoàn - Ảnh 1.

Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, trình bày tham luận tại đại hội

Trình bày tham luận "Nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ) trong tình hình mới" tại Đại hội XII CĐ Việt Nam sáng 25-9, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, khẳng định: "Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ là một trong những chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức CĐ Việt Nam được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Nhiệm kỳ qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, các cấp CĐ đã không ngừng đổi mới, tập trung triển khai, cụ thể hóa chức năng này bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, mang lại lợi ích, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, khẳng định vai trò đồng hành, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, NLĐ cả nước".

LĐLĐ TP đang quản lý 20.067 CĐ cơ sở, với 1.374.539 đoàn viên, trong đó có 17.104 CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước, với 1.104.450 đoàn viên; NLĐ tại TP phần lớn là lao động đến từ các tỉnh, thành; làm việc chủ yếu tại các doanh nghiệp (DN) nằm trên địa bàn các quận, huyện ven đô và tại 17 KCX-KCN, khu công nghệ cao; trình độ học vấn, tay nghề, hiểu biết về pháp luật của NLĐ không đồng đều. 

Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn phong phú, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, do đó, công tác tham gia đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ được các cấp CĐ TP ưu tiên hàng đầu trong nhiều năm qua.

Xuất phát từ thực tiễn đời sống, việc làm của CN lao động trên địa bàn TP, những năm qua, các cấp CĐ đã chủ động đề ra và từng bước bổ sung các hoạt động công đoàn với nhiều nội dung và phương thức mới; tích cực tham gia xây dựng chính sách cho công nhân, viên chức, lao động, đồng thời chú trọng chọn lựa các đối tượng đặc biệt khó khăn để chăm lo cụ thể; công tác chăm lo cho công nhân, lao động trở thành những hoạt động có quy mô lớn, sức lan tỏa rộng, làm cho hoạt động công đoàn ngày càng hiệu quả, thiết thực và đến được với nhiều công nhân, NLĐ; vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ được khẳng định trên thực tế, góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của tổ chức CĐ trong lòng NLĐ. 

Trong phạm vi tham luận này, chúng tôi xin trân trọng báo cáo với Đại hội một số hoạt động lớn trong việc thực nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ được các cấp CĐ TP thực hiện trong nhiệm kỳ qua:

Thứ nhất, chú trọng hoạt đông thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này trong việc mang lại lợi ích, bảo vệ quyền lợi của người lao động, các cấp CĐ TP đã tập trung chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thỏa ước; phối hợp với người sử dụng lao động thương lượng, đối thoại, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước. 

Số lượng và chất lượng thỏa ước được ký kết vì vậy đã tăng mạnh so với đầu nhiệm kỳ, đến nay toàn Thành phố đã có 8.674 bản thỏa ước. Các điều khoản cơ bản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của luật như tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện làm việc đã được quan tâm thương lượng và thể hiện trong hầu hết các bản thỏa ước lao động tập thể.

Thứ hai, CĐ đã chủ động phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn đồng cấp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng hội nghị NLĐ; có nhiều đổi mới trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc; tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, nội quy, quy chế thuộc ngành, địa phương, đơn vị và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Đối với vấn đề tiền lương của NLĐ, bên cạnh việc Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu hàng năm theo quy định, các cấp CĐ đã tiến hành khảo sát mức sống thực tế của NLĐ để tham gia cùng người sử dụng lao động xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tại doanh nghiệp, đề xuất thêm các khoản phụ cấp ngoài lương, do đó, thu nhập bình quân của công nhân lao động khu vực sản xuất năm 2017 đạt khoảng 6.500.000/người/tháng, tăng so với đầu nhiệm kỳ. 

CĐ đã cùng với chính quyền các cấp và người sử dụng lao động tham gia giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của công nhân lao động theo phương châm "ở đâu có NLĐ bức xúc, ở đó có CĐ.

Thứ ba, về hỗ trợ pháp lý và đại diện theo ủy quyền của NLĐ khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể NLĐ bị xâm phạm. LĐLĐ TP đã thành lập được 1 Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ TP và 28 tổ tư vấn pháp luật tại các quận, huyện và các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. 

Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.970 công nhân lao động đã được cán bộ CĐ TP hỗ trợ các thủ tục pháp lý hoặc đại diện theo ủy quyền tham gia khởi kiện thành công, đòi lại tiền doanh nghiệp nợ lương và BHXH NLĐ trên 17 tỷ đồng (điển hình như: LĐLĐ quận 10 đòi nợ lương cho 236 người lao động tại Công ty CP Giày Sài Gòn với số tiền 7,3 tỷ đồng; LĐLĐ huyện Hóc Môn đại diện 936 công nhân khởi kiện doanh nghiệp nợ lương, đã được giải quyết 5,7 tỷ đồng; LĐLĐ huyện Củ Chi đại diện 670 công nhân khởi kiện doanh nghiệp nợ lương, đã được giải quyết gần 4 tỷ đồng…).

Thứ tư, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp thực hiện chưa tốt, kiến nghị xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm, từ đó tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. 

Tuyên truyền, tập huấn những quy định pháp luật mới cho cán bộ CĐ, người sử dụng lao động và công nhân lao động, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động hiểu rõ hơn về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng được pháp luật quy định. 

Định kỳ khảo sát và lập danh sách các doanh nghiệp đông công nhân có biểu hiện vi phạm pháp luật lao động: nợ BHXH trong thời gian dài, thường xuyên chậm trả lương, tiềm ẩn tranh chấp lao động, để đề xuất cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động những đơn vị này.

Thứ năm, công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động luôn được các cấp CĐ TP quan tâm; mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp thường xuyên được kiện toàn, tập huấn; công tác tuyên truyền, cảnh báo nhằm nâng cao ý thức của NLĐ trong việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động được chú trọng. Đã phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Những hoạt động thiết thực trên đây cùng các hoạt động chăm lo lợi ích được triển khai sâu rộng trên địa bàn Thành phố với số tiền, quà và các chương trình phúc lợi hỗ trợ NLĐ trị giá hàng trăm tỷ đồng/ năm đã trực tiếp nâng cao đời sống, bảo vệ việc làm và các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khác của NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. 

Thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ đã góp phần kéo giảm các vụ tranh chấp lao động và đình công. Giai đoạn 2008 – 2012 toàn TP có 627 vụ ngừng việc tập thể, đình công; đến giai đoạn 2013 – 2017, con số này là 360 vụ (bằng 59%); năm 2013 toàn TP xảy ra 97 vụ, đến năm 2017, con số này là 39 vụ.

5 bài học kinh nghiệm của CĐ TP HCM

Từ thực tiễn hoạt động của một TP có đông công nhân lao động trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động, Ông Vũ chỉ ra một số bài học kinh nghiệm:

Một làcần nắm chắc tâm tư, nguyện vọng và tình hình dư luận trong công nhân, người lao động, nhất là các doanh nghiệp có đông lao động, quan hệ lao động chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp. Các cấp CĐ đã thành lập 5.236 Tổ dư luận xã hội với 34.359 thành viên hoạt động cùng lực lượng công nhân nòng cốt tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP; lực lượng này đã cung cấp cho hệ thống CĐ TP những thông tin bổ ích, kịp thời, phục vụ công tác chỉ đạo, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động và xử lý khi có tranh chấp lao động, đình công hoặc tình huống đặc biệt khác xảy ra.

Hai là, tăng cường công tác chỉ đạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát cơ sở, nắm chắc địa bàn, doanh nghiệp, đáp ứng với yêu cầu của tình hình quan hệ lao động ngày càng phong phú, phức tạp.

Ba là, chú trọng công tác phối hợp với các ngành chức năng trong việc ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật lao động.

Bốn làtập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật đủ mạnh, phát huy vai trò cán bộ CĐ chuyên trách tham gia đại diện, khởi kiện doanh nghiệp vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tăng cường hướng dẫn công đoàn cơ sở xây dựng thỏa ước lao động tập thể.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình

Thay mặt Đoàn đại biểu LĐLĐ TP, ông Vũ kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam và đề xuất với Đảng, nhà nước một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trong việc sửa đổi Bộ luật lao động sắp tới về tuổi nghỉ hưu, ngoài việc điều chỉnh theo lộ trình, cần khảo sát và có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động cụ thể, công nhân sản xuất trực tiếp mong muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay; cần nghiên cứu, thiết kế mô hình cơ quan giải quyết tranh chấp lao động chuyên nghiệp, mô hình hiện tại đã trở nên lạc hậu, không phù hợp với tình hình quan hệ lao động hiện nay, gần như không vận hành trong suốt thời gian qua, làm cho người lao động khó tiếp cận, đình công trái luật vì vậy xảy ra nhiều.

Thứ haicông tác đại diện cho người lao động, tập thể NLĐ tiến hành khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ bị xâm phạm đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về trình tự và thủ tục do sự không thống nhất trong các quy định giữa các luật, nhất là việc khởi kiện nợ BHXH. 

Kiến nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng bổ sung thêm chương tố tụng chuyên biệt về lao động để phù hợp với thực tiễn và về lâu dài cần nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật giải quyết các tranh chấp lao động (bao gồm giải quyết các vụ án lao động).

Thứ ba, Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ công nhân ở cấp Tổng Liên đoàn và một số địa phương có đông công nhân để các trung tâm này tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ công nhân, đồng thời tổ chức các hoạt động đại diện, bảo vệ công nhân chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. 

Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất đảm bảo biên chế cán bộ CĐ đủ để đảm đương yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, khi đoàn viên và CĐ cơ sở liên tục tăng. Tại TP HCM có LĐLĐ quận được biên chế 8 cán bộ nhưng theo dõi hoạt động của gần 1.700 CĐ cơ sở, trong đó có hơn 1.600 CĐ cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

NHÓM PHÓNG VIÊN ẢNH: HOÀNG TRIỀU