hoạt động Tin hoạt động chung

Hành xử tùy tiện, sai luật với người lao động

05/09/2018

Biết hành xử trái luật với người lao động nhưng doanh nghiệp vẫn bất chấp

Tình trạng doanh nghiệp (DN) điều chuyển, phân công công việc cho người lao động (NLĐ) trái với thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) khá phổ biến. Cách hành xử này của DN không chỉ gây ức chế cho NLĐ mà còn khiến quan hệ lao động bị tổn thương, rất khó hàn gắn.

Điều chuyển công việc... bằng miệng

Trường hợp chị Trần Thị Mỹ Châu (tỉnh Bình Dương) làm việc tại Công ty TNHH Theodore Alexander HCM (KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức, TP HCM) là một ví dụ.

Chị Châu làm việc tại công ty từ năm 2002 đến nay với HĐLĐ không xác định thời hạn. Vị trí làm việc của chị là quản lý cấp trung ở Phòng Kế hoạch và mua hàng phụ kiện của công ty. Trong suốt quá trình làm việc, chị luôn hoàn thành tốt công việc được giao và chưa từng bị kỷ luật. Bất ngờ, đến ngày 8-6-2018, chị Châu bị ông Nguyễn Đức Cường, trưởng phòng và cũng là quản lý trực tiếp, phân thêm công việc mới, đó là nhập liệu phần mềm. Do không được thỏa thuận trước nên chị Châu không đồng ý và gửi email khiếu nại đến ban giám đốc công ty. Thế nhưng, thay vì gặp gỡ NLĐ để giải tỏa gút mắc, công ty lại buộc chị Châu tạm ngưng công việc, đồng thời tịch thu máy tính, điện thoại của chị. Chưa dừng lại đó, công ty giao cho chị Châu một bản mô tả công việc mới và buộc phải nhận việc. Do chị Châu không đồng ý và tiếp tục khiếu nại, công ty buộc chị đến ngồi ở khu vực kho, sau đó là phòng khách gần phòng bảo vệ. "Công ty giao việc không đúng thỏa thuận ban đầu nhưng không thương lượng. Việc điều chuyển không hề có quyết định nào mà chỉ nói miệng. Cách hành xử của công ty thật khó chấp nhận" - chị Châu bức xúc.

Tương tự, tại một DN ở quận 3, TP HCM, chị N.T.T đang làm việc ở ví trí lễ tân thì đột ngột được điều sang khối sản xuất. Cũng tại DN này, chị H.T.L đang làm tốt công việc nhân viên hành chính thì bị chuyển sang bộ phận kinh doanh, cho thử thách 6 tháng. Điều đáng nói là trong cả hai trường hợp trên DN đều không thỏa thuận với NLĐ.

Hành xử tùy tiện, sai luật với người lao động - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Mỹ Châu và đơn khiếu nại gửi Báo Người Lao Động

NLĐ có quyền từ chối

Giải thích về kiểu điều chuyển "lạ lùng" đối với trường hợp chị Châu, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Theodore Alexander HCM, thừa nhận công việc mới giao cho chị Châu có khác so với công việc cũ. Ông Tùng cũng cho biết chỉ mới trao đổi sơ và đến giờ này công ty vẫn chưa có quyết định điều chuyển chị Châu. Về hướng xử lý vụ việc, ông Tùng trả lời quanh co: "Công ty mong muốn chị Châu làm công việc mới. Nếu không đồng ý thì tiếp tục ngồi chờ... Công ty đang xem xét, nghiên cứu (!?). Trong thời gian này, mọi chế độ của chị Châu vẫn giữ nguyên". Đối với 2 trường hợp tại DN ở quận 3, khi làm việc với cơ quan chức năng, giám đốc công ty tuyên bố sẽ chịu mọi trách nhiệm trước quyết định của mình.

Luật sư Nguyễn Hải Nam, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, cho rằng theo quy định của Bộ Luật Lao động, khi DN có sự thay đổi, sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, kinh doanh thì có thể bố trí NLĐ làm công việc khác với nội dung thỏa thuận trong HĐLĐ nhưng không được quá 60 ngày. Đồng thời, việc bố trí công việc mới này phải có sự đồng thuận của NLĐ. Pháp luật không cho phép người sử dụng lao động (NSDLĐ) bố trí NLĐ làm công việc trái với thỏa thuận HĐLĐ hoặc một công việc nặng hơn nếu NLĐ không đồng ý. Pháp luật cũng nghiêm cấm NSDLĐ có hành vi ngược đãi, cưỡng ép hoặc xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm NLĐ. Do vậy, việc công ty buộc chị Châu phải nhận công việc mới nặng hơn công việc đang làm nhưng không ban hành quyết định, không được sự đồng thuận của chị Châu là trái pháp luật. Trong trường hợp này, chị Châu có quyền từ chối. Trong khi chờ đợi sự đồng thuận từ hai phía thì NSDLĐ không được có hành vi cưỡng ép, phân biệt đối xử và xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm NLĐ. Với những hành xử trên, chị Châu có quyền làm đơn khiếu nại và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền về lao động kiểm tra đối với việc chấp hành pháp luật lao động của Công ty Theodore Alexander HCM. Ngoài ra, chị Châu cũng có thể nhờ Công đoàn Các KCX-KCN TP HCM can thiệp, bảo vệ quyền lợi. 

Phải thỏa thuận với người lao động

Luật sư Hoàng Trung Kiên (Công ty Luật TP) cho biết ông đã từng gặp rất nhiều trường hợp DN dùng cách này, cách khác như không bố trí công việc, gài bẫy NLĐ, chuyển làm việc khác không thỏa thuận, không cho sử dụng trang thiết bị làm việc… để NLĐ chán nản và tự nghỉ việc. Đây là cách hành xử trái luật và thiếu trách nhiệm của DN đối với NLĐ. "Chứng kiến cách đối xử của DN đối với đồng nghiệp, chắc chắn NLĐ tại đơn vị sẽ bị bức xúc, thậm chí sẽ quay lưng lại với nơi làm việc. Do vậy, tốt nhất là DN nên thương lượng với NLĐ" - luật sư Kiên khuyến cáo.

Bài và ảnh: Thiên Phúc