"Cống hiến cho công ty hơn 11 năm và chưa hề vi phạm kỷ luật, thế nhưng đầu tháng 5-2018, tôi bị buộc thôi việc và phải rời khỏi công ty ngay lập tức. Khi tôi hỏi lý do thì giám đốc bảo không thích cho làm nữa nên cho nghỉ. Cách hành xử tùy tiện của lãnh đạo doanh nghiệp (DN) rất khó chấp nhận". Đây là nội dung khiếu nại mà chị Nguyễn Ngọc Thu Trang, nhân viên kế toán Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Mỹ Ngọc (quận 5, TP HCM), gửi đến Báo Người Lao Động mới đây.
Đuổi việc tùy tiện
Ngoài chị Trang, một số nhân viên (NV) khác đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn cũng bị công ty cho nghỉ việc cùng ngày mà không báo trước, cũng không được biết lý do như chị Trần Thị Ngọc Loan, kế toán trưởng; anh Lưu Thái Bình Long, thủ kho; chị Hà Thị Lộc, NV bán hàng…
Các NV trên cho biết họ đều có thời gian làm việc tại công ty từ 11-13 năm nhưng chỉ được công ty đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 7-2015. Sau thời điểm đó, dù vẫn bị công ty trừ lương để đóng BHXH nhưng khi ốm đau, bệnh tật, họ phải tự bỏ tiền đi khám vì không có thẻ BHYT. Sau khi buộc số NV trên thôi việc, đến nay công ty vẫn chưa chốt và trả sổ BHXH. "Mặt khác, HĐLĐ có quy định người lao động (NLĐ) được nghỉ 12 ngày phép/năm nhưng thực tế không ai được hưởng. Ai nghỉ ngày nào bị trừ lương ngày đó. Số ngày chưa nghỉ cũng không được công ty thanh toán bằng tiền" - chị Trang cho biết thêm.
Chị Nguyễn Ngọc Thu Trang, nhân viên Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Mỹ Ngọc, trình bày sự việc tại Báo Người Lao Động
Liên hệ với công ty tìm hiểu sự việc thì chúng tôi được ông Trương Triều Hùng, giám đốc công ty, cho biết sau buổi hòa giải do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 5 tổ chức, ông đồng ý trả 50% số tiền bồi thường do NLĐ yêu cầu nhưng NLĐ không đồng ý. Vì vậy, hiện nay công ty vẫn đang tìm hướng giải quyết. Để đòi quyền lợi chính đáng, các NV đã chuyển vụ việc sang tòa án nhờ can thiệp.
Treo quyền lợi người lao động
Theo quy định của Bộ Luật Lao động, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, DN và NLĐ có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Đồng thời, DN phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cho NLĐ. Quy định là vậy nhưng tại Công ty CP Tàu Cuốc (quận 7, TP HCM), NLĐ nghỉ việc gần 5 tháng vẫn chưa được giải quyết các quyền lợi liên quan.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, NV công ty, cho biết sau hơn 33 năm làm việc, vì sức khỏe suy yếu, ông nộp đơn xin thôi việc và được lãnh đạo công ty chấp nhận cho nghỉ việc từ ngày 1-4-2018. Trước khi nghỉ việc ông đã hoàn tất việc đối chiếu công nợ và bàn giao công việc đang làm cho người được tổng giám đốc công ty chỉ định là ông Lê Võ Ngọc Long, phó tổng giám đốc kiêm trưởng phòng quản lý thiết bị. Song, đến thời điểm này dù đã nhiều lần yêu cầu, công ty vẫn chưa chịu chi trả tiền trợ cấp thôi việc, chốt và trả sổ BHXH khiến ông Hồng mất luôn quyền lợi hưởng 9 tháng trợ cấp thất nghiệp. "11 người nghỉ việc cùng đợt cũng lâm vào hoàn cảnh giống như tôi. Sau đó, do hoàn cảnh khó khăn và để được chốt sổ BHXH nhằm hưởng trợ cấp thất nghiệp, một số người phải viết đơn tự nguyện từ bỏ số tiền trợ cấp thôi việc. Riêng tôi không chấp nhận nên bị treo quyền lợi đến nay".
Chúng tôi đã tìm nhiều cách liên hệ với ông Huỳnh Văn Chánh Tâm, tổng giám đốc công ty, nhưng không có kết quả. Còn bà Trương Đỗ Thanh Nhàn, trưởng phòng tổ chức hành chánh, cho biết công ty đang gặp khó khăn nên nợ BHXH và chưa có tiền trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ. Cũng theo bà Nhàn, một số lao động trong số 11 người nghỉ việc đã được chốt và trả sổ BHXH nhưng bà phủ nhận việc NLĐ bị ép viết đơn tự nguyện từ bỏ quyền lợi. Riêng ông Hồng vì còn vướng vấn đề bàn giao nên chưa được chốt sổ BHXH.
Phớt lờ khuyến cáo
Tháng 3-2018, ông Huỳnh Lê Dũng, tổ trưởng tổ vận hành thiết bị thuộc Xí nghiệp (XN) tách cọng thuộc Công ty CP Hòa Việt (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), bị điều chuyển sang làm tại tổ cây xanh - phục vụ. Nhận thấy quyết định điều chuyển có nhiều điểm không rõ ràng vì không nêu lý do, không ghi thời hạn điều chuyển và mức lương ở công việc mới nên ông Dũng đã trả lại quyết định cho công ty.
Trong văn bản trả lời ông Dũng, đại diện công ty giải thích XN tách cọng phải tạm ngưng hoạt động do không có nguyên liệu sản xuất, trong khi tổ cây xanh - phục vụ đang cần người nên tạm thời điều động ông Dũng sang vị trí làm việc mới. Khi XN có nguyên liệu sản xuất thì ông Dũng sẽ trở về làm việc tại vị trí cũ và thời gian cụ thể thông báo sau. Không đồng ý với câu trả lời này, ông Dũng tiếp tục không chấp hành lệnh điều động. Cho rằng ông Dũng bỏ việc không có lý do chính đáng (tổng cộng 34 ngày), tại cuộc họp xử lý kỷ luật ngày 11-6, công ty ra quyết định sa thải ông Dũng. Bị o ép, ông Dũng khiếu nại lên Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai.
Cuối tháng 7-2018, Chánh Thanh tra sở đã có kết luận về vụ việc. Thanh tra sở nhận định việc điều chuyển là sai vì trong nội quy lao động không có quy định cụ thể trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà DN được tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ theo quy định tại khoản 2 điều 8 Nghị định 05/NĐ-CP. Từ đó, công ty sa thải NLĐ vì không chấp hành quyết định điều chuyển và không đến làm việc tại nơi được phân công cũng không đúng quy định pháp luật. Thanh tra sở yêu cầu giám đốc công ty phải thu hồi quyết định điều động, quyết định sa thải, đồng thời bồi thường vì sa thải trái quy định và bố trí lại công việc theo HĐLĐ đã ký kết với ông Dũng. Thế nhưng, dù đã được khuyến cáo, đến nay công ty vẫn chưa khắc phục sai phạm.
Bài và ảnh: MAI CHI